Nhục là cái sự đau khổ xấu xa nhơ nhuốc. Vong quốc là cái sự mồ mả ông cha, quê hương xứ sở bị ngoại bang thống trị. Nhục Vong Quốc là hậu quả của việc một nước đi áp đặt ách thống trị lên một nước khác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, với sự đồng lõa của dân bản địa ở nước bị thống trị.
Lịch sử phát triển xã hội loài người cổ kim còn rành rành ra đó những huyết tích nhơ nhuốc của sự đồng lõa của dân bản địa - kẻ bị thống trị.
Dân bản địa hoặc thay kệ chính sự, mặc kệ sự an nguy của đồng hương bản quán, của đồng nghiệp hội đoàn, tầng lớp, hoặc lo tích góp tư lợi cá nhân, hoặc bị dụ hoặc bởi huyễn ngôn xảo cú, hoặc đắm chìm trong không tưởng, hoặc thúc thủ cầu an, hoặc mê đắm những thú vui thỏa mãn dã tánh. Chẳng những thế, một nhóm dân bản địa còn trực tiếp chào đón lý tưởng, triết lý của kẻ thống trị, phủ phục tuân theo mệnh lệnh của kẻ thống trị, đem thân làm tôi tớ cho kẻ thống trị , để được kẻ thống trị ban cho vai vị thừa sai, áp bức bách hại chính đồng bào của mình.
Những kẻ thừa sai này, đặc biệt trong thời thực dân tinh vi sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, tồn tại dưới dạng một chánh phủ trông như độc lập hoàn toàn. Về đối ngoại, chánh phủ thừa sai thống trị xứ sở và cai trị đồng bào theo lý tưởng của mẫu quốc - nước bảo hộ, áp đặt ách thống trị qua một chủ thuyết. Chánh phủ này lấy sự lệ thuộc về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, luật lệ, thương mãi, và tổ chức chánh quyền các cấp làm quốc sách. Về đối nội, chánh phủ này lấy bạo lực làm đạo, lấy ngu dân làm trọng, lấy tụt hậu làm vinh quang, và lấy vong quốc làm mục đích tồn tại quyền lực.
Tuy nhiên, lịch sử xã hội loài người cũng lưu lại, chỉ ra những giá trị phát triển văn minh ở những cá nhân, đoàn thể dân bản địa. Các cá nhân dân bản địa nhiều người ý thức được tai họa vong quốc của mình họ không chấp nhận làm kẻ đồng lõa, không làm tay sai. Họ biết phải vươn lên, không chấp nhận tụt hậu, không chấp nhận bị ru ngủ. Họ biết họ phải học hỏi và đấu tranh để bảo vệ xứ sở, để vực đồng bào họ ra khỏi sự lệ thuộc, sự tụt hậu nhằm cởi bỏ ách nô lệ ấy.
Ông chí sĩ Phan Châu Trinh của Việt Nam là một trong nhiều cá nhân muốn thoát cái nhục vong quốc ấy. Ông đã phải trút cả tâm can của mình vào “Tỉnh Hồn Quốc Ca”, kêu gọi sự tỉnh thức của toàn dân trong cơn ngủ mê vong quốc, chủ trương nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, đòi lại dân quyền, mở mang sự học hỏi tiềm tòi, khám phá thế giới văn minh ngoài vòng thuộc Hán, chỉ ra sự bảo thủ lạc hậu, cản ngăn tư tưởng cải cách, trù dập người tài, chối bỏ người có lòng vì xã tắc, bạc nhược đớn hèn trước kẻ thù, rắp tâm lệ thuộc vào mẫu quốc đại Pháp của chánh quyền, chỉ ra sự tụt hậu mọi mặt từ khoa học kỹ thuật cho đến chủ trương cai trị lạc hậu, vân vân. Sử còn ghi lại những oan án đầy huyết lệ mà giai cấp thống trị đã áp đặt lên ông và các chí sĩ cùng thời dấn thân mưu cầu một Việt Nam hưng khởi dân trí, minh bạch quốc sách, không lệ thuộc, không tụt hậu.
Lịch sử phát triển xã hội Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Mối hờn vong quốc của ông Phan Châu Trinh và các chí sĩ còn phảng phất, những oan án tù ngục bạo quyền áp đặt lên ý chí lương thiện vị quốc của ông và các chí sĩ, còn làm nhức nhối lòng người cho đến ngày nào có được một nước Việt Nam không kết án phạt tù lòng yêu nước. |