Dấu mốc Một Ngàn Năm Thăng Long là một cơ hội đầy ý nghĩa để hậu duệ Lạc Việt đối thoại với Tổ Tiên hôm qua, và nối kết với thế hệ con cháu mai sau. Cơ hội quí báu ấy chỉ còn mong manh; đau đáu đợi những tấm lòng quả cảm vị quốc nắm bắt, vận dụng và phát triển.
Những phong trào tổ chức mừng đón Ngàn Năm Thăng Long hiện tại dù tốn kém và hăng hái, nhưng cũng chỉ chạm đến hình thức lễ nghi bề ngoài. Những nghiên cứu, sưu tầm các nhân vật lịch sử, các di tích công trình đó đây ở đồng bằng Bắc Bộ, các nghiên cứu, phân tích các di chỉ như "Chiếu Dời Đô" là các việc dù cố gắng đáng kể, cũng chỉ mon men đến ý nghĩa câu từ, bút tích tập trung vào "đất thiêng Rồng chầu Hổ phục". Một sinh hoạt cần thiết nhưng bị bỏ quên đi là phần đối thoại với sự nghiệp giữ nước của Tổ Tông để thấy ý nghĩa thật sự của Ngàn Năm Thăng Long.
Ý nghĩa thật sự của Ngàn Năm Thăng Long là Ngàn Năm Độc Lập Tự Chủ. Nền độc lập tự chủ đó được xây dựng và duy trì bằng Tư Tưởng Thiền Triết học - Chánh trị. Tư Tưởng Thiền Triết học - Chánh trị này xuyên suốt, liên tục và hiệu quả suốt một ngàn năm qua. Nó là Tư Tưởng Triết Học của Lạc Việt, không là tư tưởng khởi nguyên của giòng giống nhưng là tư tưởng trích chiết, tích lũy được, bồi đắp thêm vào trong quá trình thích nghi với cuộc sống, tương tác với môi trường thiên nhiên và nhận thức, biện chứng giữa Đạo - Đời trong tiến trình hoàn thiện giống nòi.
Trải đi từ triều vua Lý Nam Đế đến triều Nguyễn, các thiền phái (các trường phái triết học), các thiền sư (các triết gia) và các nhà nước tồn tại song hành hỗ tương; chức việc riêng rẻ nhưng tương dụng, tương kính. Sự song hành tương dụng tương kính này tạo nên dòng Tư Tưởng Triết Học - Chánh trị, lấy lẽ hưng vong giống nòi, sự Độc Lập Tự Chủ dân tộc làm nhận thức luận. Dòng Tư tưởng Triết học - Chánh trị đó được thấy qua Chùa Khai Quốc (An Quốc, Trấn Quốc, Trấn Bắc, Trấn Quốc) từ triều Lý Nam Đế; qua vị Tăng Thống đầu tiên của hệ thống Phật giáo Đại Việt, và là cố vấn chánh trị, thiền sư Khuông Việt ở triều Đinh; qua bài sớ tiễn sứ "Tống Vương Lang Quy" của cố vấn chánh trị, thiền sư Pháp Thuận trong phái bộ tiễn sứ Pháp Thuận - Khuông Việt ở triều Tiền Lê; qua quốc sư, thiền sư Vạn Hạnh ở triều Lý; qua Phật Hoàng, thiền sư Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông; qua các sách lưu cho hậu thế của thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhiệm thời Quang Trung - Nguyễn, qua các pho sách chứa đựng các tư tưởng triết học giá trị sau này của các vị thiền sư các phái còn đang phải mai danh ẩn tích.
Đặc điểm chung là dù xuất phát từ Thiền, Phật giáo, nhưng những vị thiền sư nói trên khi cố vấn các triều vua lại bằng tư tưởng triết học - chánh trị giá trị. Ngay tên Chùa (nơi hành Đạo) cũng là Khai, An, Trấn nối với Quốc làm đại cuộc, không đặt Đạo cao hơn Quốc, đó là lý do gọi các phái thiền là các trường phái triết học, và các thiền sư là các triết gia, và gọi Tư Tưởng Thiền Triết học - Chánh trị là Tư Tưởng Triết Học Lạc Việt như đã đề cập. Đặc điểm khác là sự liên tục, nhất quán trong tư tưởng triết học độc lập tự chủ: bài tiễn sứ của thiền sư Pháp Thuận nhấn mạnh quyền độc lập tự chủ của Nam Bang, đến thiền sư Vạn Hạnh giúp triều Lý, đến thiền sư Trần Nhân Tông, thiền sư Hải Lượng đều xoáy vào trọng tâm độc lập, bảo vệ giang san. Đặc điểm thứ ba là không có vị thiền sư - triết gia nào khuynh loát chánh sự, mà chỉ cố vấn, tận sức giúp các triều đại, xong việc Đời, đối với họ việc Đạo cũng đã thành; nhà nước vẫn là tổ chức chánh trị thế tục, tách rời đạo khỏi nhà nước. Và, chưa thấy một nhà nước nào trong suốt ngần ấy ngàn năm can thiệp chức phận, định hướng tư tưởng thiền, triết học, hoặc rẻ rúng dòng minh triết độc lập tự chủ dân tộc của các triết gia Lạc Việt.
Thời nhà Lý có thiền sư Vạn Hạnh, một nhà tư tưởng - chính trị nổi trội trong việc lập nhà Lý và dời đô từ núi non Hoa Lư về đồng bằng sông Hồng, dựng nên Thăng Long cách đây một ngàn năm. Bản di chiếu "Chiếu Dời Đô" do Lý Thái Tổ và các quan cận thần thảo nên, hàm chứa một tư tưởng triết học - chánh trị vững chãi : tư tưởng độc lập tự chủ: Một quốc gia tự tin, tự chủ, độc lập, tự do mới có hành tung ung dung tự tại giữa đất trời. Nhà nước ấy lập kinh đô, lấy minh triết Thăng Long làm tên, mở không gian đối thoại với đất trời với đồng loại ra bốn phương tám hướng, phát triển văn hóa, tông giáo, thương mãi, nông, lâm, ngư, tiểu thủ công nghiệp. Ba mươi sáu phố phường buôn bán tấp nập với dân bốn phương, tứ hải đổ về. Không có tư tưởng triết học, không luận bản thể sự vật, sự việc, không có nhận thức luận thì không làm được việc ấy. Bản chất sự thật của Ngàn Năm Thăng Long là thế, tư tưởng triết học - chánh trị độc lập tự chủ; đoạn tuyệt với thời đô hộ tối tăm. Kinh đô Thăng Long được dựng nên bởi tư tưởng triết học lấy độc lập tự chủ làm quốc sách. Sử biên "Chiếu Dời Đô" vào mùa Xuân, lập kinh đô vào tháng Bảy, mùa Thu. Hậu duệ ngày nay thiếu sót bổn phận đối thoại với cơ nghiệp, tư tưởng chủ đạo của Tổ Tông, nên việc tổ chức kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long nay ấn định ngày sai, không dựa vào tư tưởng triết học - chánh trị căn bản, khởi nguyên của dời đô Hoa Lư và lập kinh đô Thăng Long, trái với tư tưởng độc lập tự chủ, tư tưởng thoát vòng nô lệ qua ý nghĩa lập kinh đô vào mùa Thu, mùa của hài hòa đất trời thiên nhiên bên đời, không liên quan đến các sự kiện gì của ngoại bang, của riêng triều đình nào, và mùa Vu Lan xá tội vong nhân: đối thoại với quá khứ can qua để khép lại và bước vào tương lai với tư tưởng hình hài mới.
Hiện nay, thế song hành Tư Tưởng Triết Học - Chánh trị Độc Lập Tự Chủ Dân Tộc không thấy nữa. Ngày nay, Phật Giáo Tịnh Độ và Nhà nước đang song hành. Như vậy, ở thượng tầng kiến trúc nhà nước không có Tư Tưởng Triết Học - Chánh trị Độc Lập Tự Chủ hiện hữu như nó đã từng hiện hữu và góp sức rất hữu hiệu suốt một ngàn năm trước. Và như vậy, Phật Giáo Tịnh Độ thay vì tiếp tục phận việc thiêng liêng và hiệu quả của nó suốt một ngàn năm qua trong việc gắn chặt với xã hội ngoài kiến trúc chánh trị thượng tầng, làm nên nền văn hóa - tông giáo Đại Việt rất đặc biệt trong dân gian, nay lại làm thay chức việc của Thiền - Triết học ở thượng tầng kiến trúc chánh trị, nhà nước. Xét về tính liên tục của nhà nước - triết học Độc Lập Tự Chủ, văn hóa - tông giáo, đương đại đang bỏ rơi tính truyền thống vốn vận hành rất hữu hiệu, ổn cố được xã hội ở hạ tầng (Phật Giáo Tịnh Độ - Văn hóa - Xã hội) và bền vững quốc hồn (triết học) ở thượng tầng (Tư Tưởng Triết Học - Chánh trị Độc Lập Tự Chủ). Việc cắt ngang dòng tư tưởng triết học của Tổ Tông, bỏ quên những tư tưởng minh triết vốn là phần căn bản của một ngàn năm sinh tồn của đất nước, sẽ đưa nhà nước về đâu, và đưa đất nước theo dòng tư tưởng triết học nào, dòng tư tưởng ấy đã trải qua ngàn năm văn hiến chưa?
Ngàn Năm Thăng Long hôm nay, vì vậy, còn ngổn ngang thế sự. Liệu Phật Giáo Tịnh Độ có làm nên điều Thiền phái - Triết học đã làm cho đất nước một ngàn năm qua? Nó có đủ tỉnh táo để khỏi u minh, nó có đủ minh triết để khỏi sa ngã vào quyền lực chánh trị và quyền lợi vật chất cùng danh lợi đạo giáo? Nó có khả năng Khai, An, Trấn Quốc bằng Tịnh Độ hay không?
Thể chế nhà nước đương đại liệu có cho rằng tư tưởng triết học nào đó của nó hiệu quả hơn tư tưởng triết học - chánh trị Độc Lập Tự Chủ của Tổ Tông? Liệu nó có biết rằng tư tưởng triết học mà nó đang áp dụng là tư tưởng triết học hậu Hy Lạp Cổ Đại biến tướng riêng về giai cấp chánh trị, không bao gồm những vấn đề quan trọng khác? Liệu nó có ý thức được rằng song song với Tư tưởng triết học Hy Lạp Cổ Đại ấy là Tư tưởng triết học Lạc Việt Cổ Đại, trong đó nhận thức luận giống nhau, quan hệ triết gia - nhà nước giống nhau, một bên tổng quan nhìn nhận "tất cả đều là lửa" (triết gia Heraclitus), một bên dạy "Trong cây sẵn có lửa, không lửa làm sao sanh" (thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu); một bên cho rằng "tất cả đều là nước" (triết gia Thales), thì bên này đất "nước", "nước" nhà, nhà "nước" (ngôn ngữ Lạc Việt). Tại sao Việt Nam không nhận ra là dân tộc mình có một dòng tư tưởng triết học rất thực tế, hữu ích, liên tục và phong phú? Tại sao các sĩ phu Việt Nam hay quanh quẩn oán trách rằng ta không có một hệ thống triết học mà lại không chịu đi tìm tòi kết nối và tiếp bước Tổ Tông phát triển dòng tư tưởng triết học của dân tộc mình? Tại sao Việt Nam lại nhìn về Nhật Bản học luận Thoát Á mà không hề biết gia tài của Mẹ để lại có cả một kho triết học phong phú khổng lồ, không chỉ đã bàn mà đã làm vấn đề Độc Lập Tự Chủ cả ngàn năm rồi, điều mà luận Thoát Á đề cập?
Tại sao Việt Nam không gấp rút cho vời các thiền sư có tuổi đang phải đau đớn mai danh ẩn tích ngay trên nền triết học của Tổ Tông ngàn năm trước khi quá muộn? Tại sao Việt Nam không trả lại không gian thiền tự cho các thiền sư để họ tịnh tâm mà cống hiến cho đời những minh triết? Tại sao nhà nước lại sợ các thiền sư trong khi Lịch Sử Một Ngàn Năm Thăng Long đã chứng minh là các thiền sư thuộc các thiền phái Việt Nam không hề mảy may sân si đến quan lộ chánh quyền, họ chuyên chú về tư tưởng triết học - chánh trị Độc Lập Tự Chủ mà thôi? |