Cư Trần Lạc Đạo Phú của Trúc Lâm Đại Sĩ, tức Trúc Lâm Đầu Đà, tức Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, vua xuất gia Trần Nhân Tông.
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần (1225-1400) trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông đã cùng vua cha Trần Thánh Tông (1240-1290) mở Hội Nghị Diên Hồng (1285), thể theo lòng dân Đại Việt quyết chiến mà đánh đuổi giặc xâm lược Mông Cổ lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287). Sau chiến tranh, ông có những chính sách khoan sức dân, chú trọng phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội. Ông ở ngôi vua đến năm 1293 thì nhường ngôi lại cho vua con Trần Anh Tông (1276-1320), lui về học tập thiền Bụt với sự giúp đỡ của Tuệ Trung Thượng Sĩ và phụ giúp chính sự cho vua con. Năm 1299 ông xuất gia ra Yên Tử, Quảng Ninh, đặt danh là Trúc Lâm Đại sĩ, lập ra phái thiền Trúc Lâm - Yên Tử, thực hành tu thiền và sáng tác nhiều áng văn thơ thuộc lãnh vực văn hóa - tôn giáo được người đời sau xem là vô giá. Cư Trần Lạc Đạo Phú là một trong các áng văn thơ quí báu ấy, ra đời trong hoàn cảnh như vậy, bởi một bậc tổ tiên đã chứng nghiệm cõi đời, cõi đạo và mối liên quan đời - đạo như thế.
Cư Trần Lạc Đạo Phú (Phú Ở Cõi Trần Vui Đạo) gồm mười hội và một bài kệ, nói về phương pháp tu tập của Sơ Tổ. Trải suốt mười hội, đặc biệt là phần đúc kết trong bài kệ, Sơ Tổ tỏ bày rằng sự an vui của một con người chỉ có thể có được khi con người đó sống tùy duyên - thuận theo lẽ tự nhiên của đất trời và nhân quần cũng như vạn vật. Khi con người nhận biết lẽ phải đó là con người có đầy đủ phẩm chất, họ không còn mê đắm quyền lực và của cải, không còn âu lo mà sống tự chủ giữa đời, giữa những biến động của thời cuộc, họ chẳng còn mắc mứu đời, đạo nữa.
Chính phẩm chất con người ấy đã nhận biết tiếng vọng của giang san đang bị phương Bắc chà đạp. Chính phẩm chất của người gánh vác trách nhiệm chính quyền ấy đã thức tỉnh trước những dụ hoặc, chiêu hàng trăm phương ngàn kế của lân bang tham lam phương Bắc. Chính phẩm chất lãnh đạo đó đã lắng nghe khát vọng của muôn dân không chịu làm nô lệ cho giặc, đã tạo nên Hội nghị Diên Hồng. Chính phẩm chất chỉ huy đó đã tạo nên những bậc anh hùng bất khuất chống xâm lược bảo vệ giang san như Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, và lớp lớp quân dân vô danh xả thân đền nợ nước. Chính phẩm chất và đạo đức của người làm vua cho ra vua đó đã nhận biết sức mạnh của chính dân tộc mình, của chính đất nước mình, đã kết tụ được sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam đánh đuổi quân Mông Cổ, chấn hưng xã tắc và gìn giữ non sông.
Việt Nam ngày nay đang cần những con người có phẩm chất và đức độ nhường ấy để nhận biết tiếng vọng căm hờn giặc phương bắc đang trỗi dậy trong muôn người. Việt Nam ngày nay đang cần những người có phẩm chất lãnh đạo biết nghe được khát vọng của muôn người trước cơ duyên thời cuộc năm châu đưa đến trước thềm nhà Việt Nam. Việt Nam ngày nay cần những con người có chí cả biết sẵn sàng rũ bỏ những quan niệm đã lỗi thời, biết sống cộng sinh cùng xã hội loài người và vạn vật. Việt Nam ngày nay cần những con người có phẩm chất biết nhận biết nội lực dân tộc đang chín muồi và kết tụ để biến đổi một nước nhỏ bé về diện tích thành một nước văn minh hơn, hùng mạnh về các giá trị tư tưởng, luật pháp, kinh tế, khoa học kỹ thuật và giáo dục.
Của báu trong nhà theo bậc tổ tiên ngụ ý là nội lực dân tộc. Nội lực dân tộc phải được kết tụ bằng sự khai mở bởi người lãnh đạo có phẩm chất và đức độ cao quý. Nội lực dân tộc không thể khai mở bằng các mẹo vặt bởi những người lãnh đạo còn chưa khai mở chính họ, còn chưa có khả năng sống thuận theo lẽ tự nhiên của đất trời, thời cuộc, còn u mê vọng tưởng quyền lực và địa vi đang có là vĩnh cửu.
Cư Trần Lạc Đạo, bản thân bài phú là của báu trong nhà của Việt Nam mà ngoài những bài khảo cứu, luận văn ra, còn thì dân Việt Nam không biết dùng như thế nào. Lẽ ra bài phú phải được dạy ở lớp 12 hay ở đại học như một cách rèn luyện nhân cách và đạo đức dân tộc cho tuổi trẻ. Giới tu hành cũng chẳng màng gì tới của báu trong làng đạo này thay vì trân trọng của báu hơn là trân trọng những tác phẩm tu hành từ phương Bắc vốn ẩn ước rủi ro ru ngủ và tiêu diệt khả năng yêu quý cõi đời và cõi đạo.
Tham khảo online: - langmai.org - thivien.net - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Việt Nam Sử Lược
Phần liên quan: Chúng tôi đã soạn mười trang nhạc cho mười hội của bài phú Cư Trần Lạc Đạo, quý vị nào có ý quan tâm thì xin nhấn vào các link dưới đây và giữ lại trong máy quí vị. Xin cảm ơn. (Lưu ý: Quý vị nào không mở được file PDF bằng trình duyệt web IE, thì quý vị thử dùng trình duyệt Chrome hoặc Firefox sẽ mở được.) - Hội một - Hội hai - Hội ba - Hội bốn - Hội năm - Hội sáu - Hội bảy - Hội tám - Hội chín - Hội mười |