Đồng bào: Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước thì thương nhau cùng
Khôn ngoan đá đáp người ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Cội nguồn: Người ta có cố có ông Như cây có cội như sông có nguồn
Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba
Đấng sanh ta ra: Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con Hiếu để: Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
Tu đâu cho bằng tu nhà Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu
Chiều chiều ra ngóng bờ sông Muốn về thăm mẹ mà không có đò
Trọng hiền đãi sĩ, trọng tài đức: Chẳng tham ruộng cả ao liền Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ
Người trồng cây hạnh người chơi Ta trồng cây đức để đời ngày sau
Dân biết hết - dân không ngu: Trống chùa ai đánh thì thùng Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng
Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ Xem cầu Thê Húc xem chùa Ngọc Sơn Đài Nghiên Tháp Bút chưa mòn Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Quan có cần nhưng dân chưa vội Quan có vội quan lội quan sang
Cam tâm bán nước cầu tài Sống thời chuốc nhục, chết thời chuốc nhơ
Địa lý - Địa danh - thiên nhiên: Đường vô xứ [Nghệ] quanh quanh (có nơi nói xứ Huế) Non xanh nước biếc như tranh họa đồ Chiều chiều trước bến Văn Lâu Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông Thuyền ai thấp thoáng bên sông Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Ai vào Đà Nẵng mà nghe Nói thơ Chàng Lía, hát vè Quảng Nam
Ai về Bình Định mà coi Con gái cũng biết múa roi đi quyền
Nhà Bè nước chảy làm hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Thế thái nhân tình: Đêm đêm chớp bể mưa nguồn Hỏi người quân tử có buồn chăng ai?
Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
Ngẫm thay thế sự nực cười Một con cá lội mấy người buông câu
Cái vòng danh lợi loanh quanh Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào
Nhắn nhủ - khuyến khích: Ở đời muôn sự của chung Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi
Làm trai cho đáng nên trai Xuống Đông, Đông tĩnh. Lên Đoài, Đoài yên Răn dạy về ân nghĩa: Được mùa chớ phụ ngô khoai Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng
Có quán tình phụ cây đa Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn
Tình cảm nam nữ, vợ chồng: Cô kia tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi Rồi mùa tóc rã rơm khô Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm
Người về ta chẳng cho về Ta kéo áo lại ta đề câu thơ
Chồng em áo rách em thương Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Ca dao là như thế: những bài thơ dân gian mộc mạc, ngắn gọn, dễ nhớ, nói về tất cả các mặt cuộc sống. Ca dao có thể có tác giả, có thể khuyết danh, nhưng không bao giờ vắng bóng hình ảnh dân tộc và đất nước; ca dao không thay thế thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng, tâm linh, và hồn phách Việt Nam bằng bất cứ thứ loại triết lý mâu thuẫn, độc hại, hoặc bằng bất cứ chủ thuyết sống sượng, nhân danh dân chúng nào cả.
Ca dao đặc biệt để lại cho đời sau tính thời sự, hoặc hiện tình đất nước vào thời câu ca dao ra đời. Ngày nay, dân chúng được biết Việt Nam đã từng có rồi những vị lãnh đạo sáng suốt bậc nhất, làm nhiều hơn nói; những vị đã tìm ra hình của nước mà tiên tổ trước họ đã vẽ ra lưu lại; những vị mang lại độc lập - tự do - ấm no - hạnh phước cho dân chúng, nhờ câu ca dao: Đời vua Thái Tổ, Thái Tông Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng thèm ăn
Đó là triều nhà Lê của Lê Lợi (Lê Thái Tổ và vua con là Lê Thái Tông). Hậu nhân từ bấy đến nay chưa ai làm nên triều như thế, chưa có câu ca dao nào truyền trong dân gian tả chân một xã hội hưng thịnh đến thế. Tất nhiên, qua nhiều năm tháng, theo thói thường thì hẳn đã có nhiều ca dao tạo ra nhằm tự tô tự ca ngợi thành tựu cá nhân quan lại, triều đình. Nhưng, soi lại thì các câu ấy không thấy đâu cả, không được dân chúng truyền khẩu vào mai sau. |