Văn hóa dân tộc và lịch sử dân tộc là hai nguồn năng lượng vô tận tạo ra động lực thúc đẩy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi của người Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua.
Nhìn ra thế giới Đông Tây
Chúng ta được chứng kiến người Do Thái không đánh mất văn hóa và lịch sử của dân tộc họ, nên họ còn biết đường tìm về cố hương và gầy dựng lại giang san, xã tắc.
Chúng ta chứng kiến người Miến Điện không đánh mất văn hóa và lịch sử dân tộc họ, để rồi sau bao nhiêu năm lầm đường lạc lối theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, theo Trung Cộng hữu nghị viển vông, họ vừa vứt bỏ hết thảy để tìm về lại với tinh thần bất khuất, độc lập, tự do, tự chủ của ông cha họ - những người kiêu hãnh cùng thời với ông cha người Việt Nam, cùng chống chọi với các triều đại bành trướng Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh.
Chúng ta được hoan hỉ chứng kiến người Venezuela ở xứ Nam Mỹ xa xôi đã có tánh sáng, tìm về với văn hóa và lịch sử dân tộc mình, để thoát khỏi mười sáu năm kiêu ngạo cách mạng vô sản, rũ bỏ văn hóa và lịch sử dân tộc, lấy dầu hỏa làm năng lượng tiến lên chủ nghĩa xã hội, để cuối cùng cả xã hội phải chịu cảnh khủng hoảng mọi mặt đến cả giấy vệ sinh (toilet paper) cũng bị khan hiếm.
Chúng ta cũng được chứng kiến người Argentina và người các nước Đông Âu, người Nga đều nhờ văn hóa và lịch sử dân tộc mà đang tìm cách quay lại với cộng đồng loài người thế giới, không muốn làm những kẻ phản động đi ngược lại tiến trình phát triển của nhân loại nữa.
Người Do Thái, người Miến Điện, người Venezuela, người Argentina, người Đông Âu, người Nga chắc chắn hoặc đã hoặc sẽ tôn vinh bằng công việc phổ quát văn hóa dân tộc và lịch sử dân tộc của họ trong công cuộc cải cách để phát triển đất nước. Họ sẽ vứt bỏ không thương tiếc loại văn hóa và lịch sử giả dối của chế độ, đảng phái, từng một thời tiếm danh văn hóa dân tộc và lịch sử dân tộc nhằm đầu độc tư tưởng trẻ thơ ở học đường và nhồi sọ dân chúng, làm cho xã hội, con người và niềm tin của đất nước họ hoang tàn trong sự giả dối, nghi kỵ, sợ hãi, và đối xử với nhau như loài dã thú.
Nhìn về nước Việt Nam mến yêu
Có kẻ đã đang âm mưu dùng kế "rút củi đáy nồi" để làm tắt dần hai nguồn năng lượng nuôi dưỡng tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thương nòi của người Việt Nam.
Nền văn hóa dân tộc Việt Nam bây giờ không còn ra hình thù gì nữa bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bằng cách đánh tráo văn hóa dân tộc bằng các loại văn hóa Trung Cộng và văn hóa xã hội chủ nghĩa, làm đảo lộn mọi giá trị cổ truyền, phong tục tập quán, niềm tin, tín ngưỡng, ngôn ngữ (lời văn dân tộc và tiếng nói dân tộc không còn chuyển tải tình cảm và văn hóa dân tộc nữa), cầm, kỳ, thi, họa, kỹ thuật, mỹ thuật, ẩm thực, trang phục và văn chương. Đặc biệt văn chương của ông cha bị đặt ra mối hoài nghi, bị cải biên, bị sửa đổi, bị làm cho không còn có thể nhận ra được nữa; có kẻ còn dám sửa lại Kiều, dịch lại hịch Nam Quốc Sơn Hà.
Lịch sử dân tộc Việt Nam dăm bảy chục năm rồi vốn không những không còn được coi trọng bằng lịch sử đảng phái, chế độ, không còn được lưu trữ, phổ quát, nghiên cứu, bổ sung một cách khoa học và khách quan, không còn được dạy một cách chi tiết và trọn vẹn trong hệ thống học đường, mà còn đang bị xem như một món nợ, một gánh nặng (liability, thay vì một tài sản quý báu- asset) cần phải trút bỏ, xé nhỏ, dấm dúi, nhét vào đâu đó, hoặc vứt bỏ hẳn cho nhẹ nợ, chứ không được coi là một môn dạy và học độc lập, nghiêm túc và bổ ích nhằm truyền đạt tri thức lịch sử về cuộc sống của dân tộc Việt Nam ở trường học nữa.
Với hai nguồn năng lượng của lòng yêu nước thương nòi và động lực thúc đẩy tinh thần dân tộc bảo vệ giang san bị kẻ gian ngoại quốc và nội gián làm cho tổn thương và tắt dần, cho thấy kẻ gian muốn tiêu diệt nền văn hóa dân tộc và lịch sử dân tộc để con cháu chúng ta không còn động lực nữa và sẽ làm nô lệ mãi mãi.
Một ngàn năm trước ông cha ta đã không những không mất gì nhiều vào tay giặc mà còn để lại nguồn năng lượng cho hậu thế là nền văn hóa dân tộc và lịch sử dân tộc, chúng ta hôm nay đã mất quá nhiều vào tay giặc và tiêu hao một cách hoang phí nguồn năng lượng của ông cha. Chúng ta để lại thứ văn hóa nào và thứ lịch sử gì cho con cháu ngàn năm sau? |