Thời bây giờ còn ít người-hiền như Bụt dù có nhiều người chung quanh Bụt.
Bụt không muốn thờ thần thánh cho nên Bụt không tiếp nối truyền thống trở thành đạo sĩ Bà-la-môn như các thành viên trong giòng tộc của Bụt. Bụt không muốn mình bị tôn thờ như thần thánh cho nên Bụt mới dặn "Ta là Bụt đã thành, các người là Bụt sắp thành". Thời bây giờ phần nhiều các thiện nam tín nữ tốn quá nhiều thời gian tụng kinh để tự dụ hoặc mình, thờ, cúng, xin xỏ, lạy, vái, mua chuộc, hối lộ, lợi dụng ông thần Bụt nên không còn thời gian nào để suy ngẫm cách làm một người hiền, cách làm một người tử tế mà ông Bụt đã chỉ cho.
Bụt không hiệp thương với bất cứ thế lực chính trị nào nên Bụt tách mình khỏi con đường quyền lực chính trị mà Vua cha sắp đặt sẵn cho mình, và Bụt từ chối thỏa hiệp trước mọi sự đón rước xa hoa, mời chào, phủ dụ của các cung vua phủ chúa trong suốt năm tháng tu để làm người của mình. Thời bây giờ nhiều phần các thiện nam tín nữ tùy tiện thỏa hiệp với quyền lực chính trị của đảng phái và nhà nước, tạo nên nhà nước cường quyền thế tục thêm phần ma mị thần quyền.
Nhiều người cười nhạt mà rằng: cuộc sống thế tục không thể sống như Bụt. Nhưng cũng những người cười nhạt này không biết rằng cách dạy làm người cho ra người của Bụt chính là cách thức tạo nên sức mạnh mềm làm nên sự vững chãi và giá trị nhân bản của xã hội. Bụt dạy làm người tử tế, làm người hiền, làm người hữu ích cho gia đình và xã hội. Bụt dạy Bi-Trí-Dũng để yêu thương, biết phân biệt cái đúng cái sai, và lòng dũng cảm để giữ gìn những giá trị tốt đẹp của nhân loại như quyền làm người và nhiều quyền khác mà ngày nay loài người chắp nhặt lại, ghi vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Nhiều nước trong đó có CHXHCN Việt Nam, đã ký vào Hiến chương cao quý đó, nhưng thời bây giờ còn tới vài nước chẳng có thiện chí tôn trọng những giá trị phổ quát mà họ đã ký. Nhà nước của họ không lấy tính nhân bản làm căn bản cho xã hội mà lấy tính xảo thuật của tuyên truyền và tính bạo lực của lực lượng công an - an ninh để làm căn bản, định hướng xã hội im tiếng. |